Thực tế, bọ xít hút máu xuất hiện từ lâu nhưng nhiều người vẫn chưa nắm rõ, băn khoăn về nguy cơ truyền bệnh, việc tự phát hiện, xử lý ổ bọ xít như thế nào. TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam chia sẻ cách phát hiện, xử lý bọ xít trong gia đình khi không may bị loài côn trùng này đốt.
Bí quyết phát hiện bọ xít trong nhà
Gọi điện đến báo Dân trí, độc giả tên Quân ở Khu tập thể dầu khí, ngõ 86 phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, tối hôm trước anh phát hiện một con bọ xít bay từ cửa sổ vào. Bắt được nó, anh xem kỹ thì phát hiện đó là con bọ xít hút máu người. Tôi rất lo lắng vì nhà tôi có con nhỏ, không bỗng dưng mà chỉ có một con bọ xít xuất hiện, nhỡ còn ổ của nó thì sao, có cách nào để truy xem ổ bọ xít ở nơi nào đó trong nhà hay không? Anh Quân băn khoăn.
Hình ảnh con bọ xít hút máu khi còn non. Ảnh: TS Lam cung cấp
Chị Lê Minh (Thạch Thất, Hà Nội) cũng gọi đến báo Dân trí thông báo chị phát hiện con bọ xít hút máu trong nhà chị và chị đã bắt được nó. Trước đó, con giai 3 tuổi của chị nhiều lần bị những nốt đốt sưng tấy không biết có phải nguyên nhân do bị con vật này đốt hay không.
Theo TS. Trương Xuân Lam thời điểm này, nhiều người dân ở khắp các địa phương phát hiện bọ xít vì loài này đang vào mùa sinh sản, chính vì vậy chúng rất cần thức ăn đó là máu của động vật trong đó có cả con người. Để có thức ăn, thông thường chúng phát tán vào nhà và có tập tính là dy chuyển đến sống ở gần người hoặc vật nuôi trong nhà trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là ở phòng ngủ. Ban ngày chúng lẩn trốn, ban đêm bò ra hút máu của động vật nuôi hoặc máu người", TS. Lam nói.
Nếu chỉ thấy một vài con thì người dân nên tìm và giết bằng các phương pháp thủ công. Trường hợp phát hiện một ổ lớn, nên báo cáo để cơ quan có chức năng tiến hành phun thuốc diệt chúng. Người dân không nên tự mua hoặc sử dụng các chất hóa học phun vì phun không đúng cách, bọ xít không chết mà lại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người nhất là sử dụng thuốc phun trong phòng ngủ.
Tại vùng thành thị, bọ xít hút máu thường sống trong các khe tủ, tủ quần áo, gầm giường, dưới đệm… Phát hiện chúng bằng cách kiểm tra tất cả các khe giường, tủ, nhất là buổi tối. Ngoài ra, nên chú ý đến cả các giai đoạn phát triển của chúng như trứng, con non để có thể diệt tận gốc loài hút máu này. Trứng thường được đẻ rời từng quả, hình tròn và rơi ở các khe kẽ của giường, tủ, kệ sách hoặc trên các khe ở trần nhà. Trứng có thể quan sát bằng mắt thường hằng 1/3 hạt gạo, màu trắng ngà nên dễ biết. Có thể diệt bằng cách thu lại cho vào túi và đốt đi hoặc giết tay.
Trứng bọ xít. Ảnh: TS Lam cung cấp
Muốn ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà thì cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm, nhất là nhà có trẻ em, nếu em bé tè dầm, đánh đổ nước ra đệm… cần phơi phóng khô ráo sẽ phòng được nguy cơ bọ xít cũng như nhiều loại côn trùng khác, nấm mốc… sinh sôi phát triển.
Nếu bắt gặp bọ xít hút máu thì nên giết thủ công rồi bỏ vào thùng rác. Nếu thấy trứng thì cho vào túi ni lông đốt hoặc đổ nước lã vào đem vứt đi, trứng bị đổ nước không thể nở được.
Có lây truyền bệnh?
Một độc giả khác cũng cho biết phát hiện bọ xít hai hôm trước trong phòng, đã bắt, giết đi nhưng đến đêm qua đang ngủ trên tầng bỗng dưng thấy nhói ở lưng thì mới phát hiện nằm đè lên con bọ xít và bị nó hút máu. “Bị bọ xít hút có truyền bệnh không, có phải đi khám hoặc chích ngừa không?.
Nốt bọ xít đốt. Ảnh: bạn đọc cung cấp
Theo TS. Lam, đây là thắc mắc của rất nhiều người dân khi bị bọ xít đốt và rất khó để trả lời thỏa đáng câu hỏi này. Vì hiện nay ở Việt Nam chưa một ghi nhận nào là loài bọ xít hút máu có mặt ở Việt Nam gây bệnh buồn ngủ hoặc các bệnh khác. Tuy trong nhiều mẫu bọ xít mới thu thập được có chứa ký sinh trùng đơn bào.
“Vì thế, người dân cần cẩn trọng, tránh không để cho bọ xít hút máu có cơ hội gần và đốt. Thường xuyên xem xét những nơi có chứa gỗ trong phòng ngủ, vệ sinh gường ngủ cẩn thận.
Về việc mầm bệnh trong máu bọ xít có khả năng truyền bệnh sang người không, PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết: Loài bọ xít này xuất hiện đã lâu, ưu thích hút máu động vật, chỉ khi không có loài động vật nào để hút máu, chúng sẽ tìm người để hút máu và cũng chưa có bằng chứng loài bọ xít này truyền bệnh cho người.
Trên thực tế, nhiều bạn đọc trên các diễn đàn, bạn đọc Dân trí cũng bày tỏ họ không thấy lo sợ về loài bọ xít này, vì đây là loại mà lâu nay họ vẫn thấy ở các vùng quê. Nhiều người cũng từng bị bọ xít đốt từ khi còn bé và đến nay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Trước thông tin về bọ xít hút máu “rầm rộ” hồi năm 2010, Bộ Y tế cũng khẳng định tại Việt Nam bọ xít hút máu đã xuất hiện từ lâu và kết quả xét nghiệm 19 mẫu máu của 19 người ở 19 hộ gia đình bị bọ xít đốt thời điểm đó không phát hiện ký sinh trùng gây bệnh Chagas. Bọ xít ở Việt Nam là loàiTriatoma rubrofassiata và chưa có tài liệu nào công bố giống bọ xítTriatoma tại Việt Nam có khả năng truyền bệnh Chagas.
Xử lý vết đốt như thế nào?
Còn nếu không may bị bọ xít đốt, cần rửa sạch chỗ bị đốt dưới vòi nước chảy, rửa bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt (tránh gây xước và viêm nhiễm. Nếu vết đốt sưng nặng nề, khó chịu, ngứa thì nên đến bác sĩ da liễu. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê thuốc bôi chống viêm tại chỗ, hoặc có thể sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh
Theo TS. Lam, khi bị bọ xít đốt, tùy theo cơ địa của mỗi người, có người chỉ một vài ngày sau vết đốt sẽ khỏi. Nhưng với người mẫn cảm với côn trùng thì vết đốt có thể sưng tấy to, bị phù, gây sốt. Có người sốt kéo dài phải cần tới sự can thiệp của các bác sĩ, nhất là đối với trẻ em - đối tượng rất ưa thích của bọ xít hút máu.
Bộ Y tế cho biết, loài bọ xít hút máu này khi đốt chỉ gây cảm giác khó chịu, đau rát và ngứa tại vết đốt, đặc biệt là đối với người có cơ địa dị ứng. Vì thế, khi bị bọ xít đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng.